ĐÁ QUÝ – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA (PHẦN 1)

CÁC THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA CỦA ĐÁ QUÝ

Gemstones - Terminology and classification

Mục lục

Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này quy định thuật ngữ và phân loại các loại đá quý, đá mỹ nghệ có nguồn gốc vô cơ và hữu cơ được sử dụng làm các vật trang sức (được gọi chung là đá quý).

Thuật ngữ và định nghĩa

Thuật ngữ ngọc học

Đá (Stone)

Vật liệu tự nhiên hoặc sản phẩm nhân tạo dùng trong trang sức hoặc vật thể nghệ thuật ngoại trừ kim loại.

Đá ghép (Composite stone/Assembled stone)

Sản phẩm được ghép một cách nhân tạo (gắn keo hoặc bằng phương pháp khác) từ hai, ba hoặc nhiều thành phần khác nhau. Các thành phần này có thể là đá quý tự nhiên, là các khoáng vật tự nhiên khác, các đá tổng hợp hoặc đá thay thế. Thông thường đá ghép đôi (doublet) gồm 2 phần, một phần có mầu, còn ghép ba (triplet) gồm 3 phần có mầu tạo nên do lớp keo gắn.

Ghép đôi (Doublet)

Đá ghép bao gồm hai thành phần ghép lại.

Ghép ba (Triplet)

Đá ghép bao gồm ba phần ghép lại với nhau.

Đá nhân tạo (Artificial stone)

Đá nhân tạo là các vật liệu (chủ yếu là kết tinh) hoàn toàn do con người chế tạo ra và không có các vật liệu tương tự trong tự nhiên. Các đá nhân tạo phổ biến nhất là: oxit zirconi lập phương (còn có tên gọi CZ, phianit hoặc djevalit) dùng để thay thế Kim cương), GGG (Granat Gadolini Gall - Gadollinium Gallium Garnet), YAG (Granat Nhôm Ytri - Ytrium Aluminium Garnet),... Hầu hết các đá nhân tạo được dùng để thay thế Kim cương.

Đá quý (Precious stones, Gemstones)

Các vật liệu vô cơ tự nhiên, trừ kim loại quý, được sử dụng trong lĩnh vực trang sức

Đá quý có các hiệu ứng quang học (Phenomenal gemstones)

Hiệu ứng adularia (Adularescence)

Hiện tượng quang học khi viên đá có hiệu ứng gợn sóng màu phớt lam hoặc phớt trắng theo những phương nhất định khi xoay viên đá.

Hiệu ứng aventurin (Aventurescence)

Hiện tượng quang học khi viên đá có hiệu ứng phản chiếu chói sáng hoặc có sắc màu đậm từ các tấm hoặc vảy tinh thể nhỏ bên trong khi xoay viên đá.

Hiệu ứng ánh sao (Asterism)

Đá mài khum (cabochon) có từ hai hoặc hơn các đường sáng rõ ràng lung linh cắt chéo nhau và cắt qua bề mặt viên đá, hình thành do sự phản xạ ánh sáng từ các bao thể sắp xếp có quy luật bên trong, có tên gọi là đá sao.

Hiệu ứng đổi màu (Color change)

Tính chất của các vật liệu thay đổi màu sắc rõ rệt từ màu này sang màu khác khi di chuyển giữa các nguồn sáng khác nhau, như từ nguồn sáng tương đương ánh sáng ban ngày (chỉ số D65 hoặc Nguồn C) sang nguồn sáng tương đương đèn dây tóc (Nguồn A).

Hiệu ứng labrador (Labradorescence)

Hiện tượng quang học thể hiện dưới dạng lóe sắc các màu cầu vồng tinh khiết và thay đổi từ từ khi xoay viên đá dưới ánh sáng phản xạ. Hiệu ứng này gây ra bởi sự khúc xạ ánh sáng từ các phiến rất mỏng luân phiên và cùng kích cỡ bên trong viên đá.

Hiệu ứng lóng lánh (Chatoyancy)

Đá mài cabochon có một đường sáng rõ ràng và cắt qua bề mặt, tạo thành do sự phản chiếu từ các bao thể bên trong viên đá có tên gọi là đá mắt mèo.

Hiệu ứng Opal (Opalescence)

Hiện tượng lóng lánh ánh ngọc trai hoặc ánh sữa trong một số đá quý, đặc biệt là trong một số loại Opal thường.

Đá quý tự nhiên (Natural gemstone/Natural precious stone)

Đá quý tự nhiên được hình thành do các quá trình tự nhiên (chủ yếu là quá trình địa chất) diễn ra trong lòng Trái Đất hoặc trên bề mặt Trái Đất và không chịu bất kỳ tác động nào của con người trừ việc gia công chế tác.

  • CHÚ THÍCH 1: Đá quý tự nhiên đa số đều là các khoáng vật (Kim cương, corindon, beryl, spinel...), một phần là các tập hợp khoáng vật hoặc các loại đá (đá hoa, đá vôi, ngọc bích, obsidian, moldavit, gỗ hóa thạch...) hoặc các vật liệu tự nhiên khác (san hô, ngọc trai, hổ phách, ngà voi...). Chúng có thể có nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ.
  • CHÚ THÍCH 2: Trong các lĩnh vực có sử dụng đá quý (trang sức, trang trí, mỹ nghệ, điêu khắc và sưu tập) đến nay đã thống kê được hơn 100 khoáng vật khác nhau. Một loại khoáng vật (species) có thể có nhiều biến loại (variety) khác nhau, tùy thuộc vào thành phần hóa học, mầu sắc, hình dạng tinh thể...Ví dụ. Ruby (mầu đỏ), Saphir (mầu lam) là các biến loại khác nhau của cùng một khoáng vật corindon; Emerald (mầu lục), Aquamarin (mầu lơ), morganit (mầu hồng), goshenit (không mầu)... là các biến loại khác nhau của cùng một khoáng vật đá quý là beryl. Số vật liệu có nguồn gốc hữu cơ được dùng làm đá quý khoảng hơn 10.
  • CHÚ THÍCH 3: Ngoài các tên gọi khoa học (tên gọi khoáng vật học), trong lĩnh vực đá quý người ta còn sử dụng các tên gọi thương trường. Cho đến nay người ta đã thống kê được hơn 200 tên gọi thương trường khác nhau.

Đá quý xử lý (Treated gemstone)

Là đá quý tự nhiên được con người xử lý bằng các phương pháp khác nhau nhằm mục đích nâng cấp chất lượng của chúng. Những phương pháp xử lý thường gặp nhất là xử lý nhiệt, chiếu xạ, tẩy và nhuộm mầu.

Xử lý bằng áp suất cao và nhiệt độ cao (High Pressure High Temperature), HPHT

Xử lý viên đá bằng qui trình áp suất cao và nhiệt độ cao nhằm thay đổi màu sắc đá quý.

Xử lý chiếu xạ (Irradiation)

Chiếu tia bức xạ vào đá quý để cải biến diện mạo của chúng và được thực hiện hoàn toàn hoặc một phần do con người.

  • CHÚ THÍCH: Đá qua xử lý chiếu xạ không được gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người khi sử dụng.
Xử lý đánh bóng sáp (Waxing)

Dùng sáp không màu hoặc sản phẩm tương tự (dầu, chất lỏng hữu cơ hoặc polymer) để đánh bóng bề mặt đá quý.

Xử lý khuyếch tán (Diffusion)

Khuyếch tán các nguyên tố hóa học để tạo nên màu sắc hoặc hiện tượng quang học trong viên đá.

Xử lý khuyếch tán bề mặt (Surface diffusion)

Dùng nhiệt độ cao và hóa chất để khuyếch tán các nguyên tố tạo màu vào phần bề mặt viên đá nhằm mục đích thay đổi màu đá quý.

Xử lý lấp đầy vết nứt (Fracture filling)

Vết nứt được lấp một phần hoặc hoàn toàn bởi vật chất như thủy tinh, nhựa, dầu, ...với mục đích làm mờ vết nứt.

Xử lý nhiệt (Heating)

Xử lý viên đá bởi chu trình nhiệt, ví dụ như là lò nung hoặc máy gia nhiệt, để cải thiện màu sắc và/ hoặc độ trong của đá quý.

Xử lý nhuộm (Dyeing)

Làm thay đổi màu của vật liệu tự nhiên hoặc sản phẩm nhân tạo bằng chất nhuộm màu hoặc các chất tạo màu khác.

Xử lý phủ (Coating)

Phủ một lớp vật chất lên một phần hoặc toàn bộ bề mặt viên đá với mục đích thay đổi màu, trang trí, bảo vệ hoặc tạo sự nhầm lẫn về chất lượng của đá.

Xử lý tẩm dầu (Oiling)

Chu trình đưa dầu vào trong vết rạn, vết nứt của đá quý để cải thiện diện mạo (độ trong) của đá quý.

Xử lý tẩm keo (Impregnation)

Đá quý và vật chất hữu cơ được xử lý bằng cách tẩm chất keo (polymer) hoặc các chất tương tự.

Xử lý tẩy (Bleaching)

Loại bỏ hoặc cải biến màu bằng các tác nhân hóa chất, tác nhân vật lý hoặc ánh sáng.

Xử lý tráng kim loại (Foiling)

Lớp kim loại rất mỏng có độ phản chiếu cao được tráng vào phần dưới của viên đá với mục đích tạo ra các hiệu ứng quang học khác nhau (ánh sao, màu,...) khi quan sát viên đá từ phía trên.

Đá tái chế (Reconstructed stone)

Sản phẩm nhân tạo được sản xuất bằng phương pháp nấu chảy các mẫu đá tự nhiên để chúng kết dính lại với nhau.

Đá thay thế (Imitation, Substitute, Simulant)

Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế đá quý tự nhiên, có đặc điểm bên ngoài (chủ yếu là màu sắc và độ trong suốt) tương tự đá quý tự nhiên, nhưng lại có thành phần hóa học và/ hoặc các tính chất vật lý, và/hoặc cấu trúc tinh thể không giống đá quý tự nhiên.

Đá tổng hợp (Synthetic stone)

Đá tổng hợp là các sản phẩm kết tinh hoặc tái kết tinh, được con người chế tạo mới hoàn toàn hoặc một phần. Các tính chất vật lý, hóa học và cấu trúc tinh thể của chúng về cơ bản tương tự các sản phẩm gặp trong tự nhiên. Cho đến nay, bằng các phương pháp khác nhau, con người đã tổng hợp được một số loại đá là Kim cương, corindon (Ruby, Saphir), spinel, Emerald, alexandrit, thạch anh, Opal, rutil, lapis lazuli, moisanit, ngọc trai,...

Đá trang trí (Ornamental stone)

Các loại đá quý được sử dụng làm vật thể nghệ thuật.

Khoáng vật (Mineral)

Chất rắn, thành phần vô cơ, có cấu trúc tinh thể và thành phần hóa học xác định, được hình thành trong tự nhiên trải qua quá trình địa chất.

Khối lượng đá quý (Mass)

Khối lượng của đá được biểu diễn bằng đơn vị cara đo lường (metric carat), ký hiệu ct, 1 ct = 200 mg (0,2g). Khối lượng đá được lấy tới hai hoặc ba số sau dấu phẩy.

Làm tròn số (Rounding)

Trong trường hợp giá trị khối lượng được lấy tới hai số thập phân, khối lượng sẽ được làm tròn hàng đơn vị về phía lớn hơn khi ba chữ số thập phân đều có trị số là 9.

0,996 = 0,99 ct

0,998 = 0,99 ct

0,999 = 1,00 ct

  • CHÚ THÍCH: Một phần trăm của một cara có thể được mô tả là “một điểm” (point).

Kích thước đá quý (Measurements)

Kích thước của viên đá được tính bằng đơn vị milimet và được tính tới hai số sau dấu phẩy. Kích thước đá được ghi nhận như sau:

Dạng tròn: đường kính nhỏ nhất, đường kính lớn nhất và chiều cao.

Các dạng cắt mài khác: chiều dài, chiều rộng và chiều cao.

Lỗ hổng (Cavity)

Một hốc rỗng nằm bên trong đá quý mà chúng lộ ra trên bề mặt của đá quý.

Ngọc quý (Gem)

Loại đá quý tự nhiên rất hiếm và chất lượng rất cao.

Nuôi cấy (Cultured)

Từ “nuôi cấy” chỉ được sử dụng cho “ngọc trai nuôi cấy” và không được sử dụng cho bất kỳ vật liệu nào khác. Sự tiết lớp là do tác dụng biến thể của động vật thân mềm. Ngọc trai nuôi cấy được hình thành do sự tiết lớp ngọc bên trong của động vật thân mềm.

Vật chất hữu cơ (Organic substances)

Sản phẩm tự nhiên sử dụng trong trang sức hoặc vật thể nghệ thuật có nguồn gốc từ động vật hoặc thực vật.

Vật liệu tự nhiên (Natural materials)

Vật liệu được hình thành hoàn toàn trong tự nhiên mà không chịu bất kỳ tác động nào của con người ngoại trừ việc gia công chế tác hoặc xử lý.

Vết nứt (Fracture)

Khoảng mở tương đương với khe nứt.

Vết rạn (Fissure)

Khoảng mở rất hẹp, tương đương với vết nứt rất hẹp và mảnh.

Tên gọi

Tên gọi thông dụng của đá quý và các vật liệu liên quan quy định trong Bảng TÊN GỌI ĐÁ QUÝ VÀ CÁC VẬT LIỆU LIÊN QUAN.

Thứ tự các tên gọi trong Bảng TÊN GỌI ĐÁ QUÝ VÀ CÁC VẬT LIỆU LIÊN QUAN được trình bày theo vần chữ cái (alphabet).

Các tên gọi ở cột 3 được sử dụng không chính thức tùy theo các trường hợp và địa dư khác nhau.

Nguồn: Luattrongtay

Bài viết có liên quan:

PHẦN 2: ĐÁ QUÝ - THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *