LÝ DO NÊN ĐEO TRANG SỨC? ĐÁ QUÝ THEO THÁNG SINH VÀ Ý NGHĨA CỦA CHÚNG

Không giống như quần áo hay giày dép, túi xách, trang sức thu hút tình yêu của chúng ta theo kiểu khác. Bền bỉ với thời gian, món phụ kiện tinh xảo này có thể truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác

Một hôm, tôi chuẩn bị đi tham dự sự kiện. Sau hai tiếng đồng hồ trang điểm, tôi thay bộ đầm dạ hội xúng xính rồi đến đứng trước gương săm soi. Hỏi cô nghệ sĩ trang điểm: “Em thấy bộ đồ này được không?”, cô ngắm nghía một hồi rồi bảo: “Bộ đầm đẹp quá. Nhưng em thấy có cái gì đó thiếu thiếu”.

Tôi “À” lên, rồi chọn mấy chiếc bông tai, nhẫn, và vòng cổ ra đeo. Cô nhìn tôi đắc ý cười: “Bây giờ hoàn hảo rồi”. Câu chuyện ngắn để chứng minh một điều: Trang sức là điều kiện cần và đủ để tạo một bề ngoài hoàn hảo.

Con người đeo trang sức từ thời cổ đại

Lịch sử trang sức rất dài và phức tạp. Có thể viết cả một bộ bách khoa toàn thư về nó.

Người cổ đại đeo trang sức để thể hiện uy quyền, sự giàu có, hay vì tín ngưỡng. Vua chúa và tầng lớp quý tộc Ai Cập xưa thường trang trí mái tóc với lông đà điểu và đeo vòng cổ nhiều tầng. Ở Nhật hay Trung Quốc, người trong hoàng gia không thể thiếu bông tai và trâm cài tóc.

Hiện nay ở châu Phi, trang sức là một phần của văn hóa. Không đeo trang sức là bất bình thường. Người Nga đeo trang sức vì tin nó có thể bảo vệ người đeo khỏi ác quỷ và những điều xui xẻo. Trong khi đó, người châu Á coi trang sức là biểu hiện cho thành đạt và địa vị xã hội.

Vì sao con người cần trang sức?

Tháp Maslow chia nhu cầu của con người thành năm tầng. Nhu cầu này được sắp xếp từ dưới lên như sau: Sinh lý (Physiological), An toàn (Safety), Tình yêu và các mối quan hệ xã hội (Love/Belonging), Sự kính trọng (Esteem), và Lòng tự tôn (Self-actualization). Càng dưới thấp thì nhu cầu càng căn bản và nhục dục, càng lên cao thì càng mang tính chất tinh thần hơn.

Chúng ta có thể xếp nhu cầu đeo trang sức đâu đó giữa phân khúc Tình yêu/Sự trực thuộc và Sự kính trọng. Món phụ kiện này là tác nhân giúp thể hiện bản sắc riêng của mỗi người.

Rất mâu thuẫn, con người vừa muốn thấy mình thuộc về một nhóm người trong xã hội, lại vừa muốn nổi bật và có địa vị trong đó. Trang sức làm được điều đó, bởi nó không phải là nhu cầu căn bản như Thể lý, gồm thức ăn, nước uống và tình dục. Nó cũng không phải nhu cầu tinh thần tối cao như Lòng tự tôn.

Viên đá khẳng định tính cách con người

Hãy quan sát viên đá sinh (birthstone) trong văn hóa phương Tây. Mỗi tháng gắn liền với một loại đá quý. Đứa trẻ sinh vào tháng Bảy sẽ phát triển cảm xúc gắn liền với Hồng ngọc trong suốt cuộc đời, trong khi người sinh tháng Tư sẽ gắn bó với Kim cương.

Đặc tính của viên đá trở thành đặc điểm tính cách một người. Ví dụ hồng ngọc đại diện cho cảm xúc. Người sinh tháng Bảy đeo hồng ngọc để tự thể hiện sự nồng nhiệt của bản thân. Người sinh tháng Hai lại đeo Thạch anh tím để thể hiện tính cách điềm đạm.

Điều đó càng khẳng định: Khi đeo trang sức đá quý, con người, trong vô thức, khao khát được người khác chú ý và tôn trọng cái riêng của mình. Đó là tầng thứ tư của tháp Maslow.

Đá càng hiếm, giá càng cao

Ruby mài tròn (cabochon) có hiệu ứng sao phát hiện tại Việt Nam

Muốn củng cố địa vị của mình, người ta phải nổi bật trong đám đông. Viên đá khó kiếm chứng tỏ người đeo là người quan trọng hoặc sang giàu thì mới kiếm được của hiếm. Vì thế giá trị của viên đá quý phụ thuộc vào việc nó có thuộc loại “khó với tới” trong xã hội không.

Kim cương là một điển hình. Về thành phần hoá học, nó cũng chỉ gồm carbon, giống ruột cây bút chì của bạn. Thế nhưng kết cấu đặc biệt và hiếm thấy của carbon đã tạo ra kim cương siêu đẹp và bền, khiến nó trở thành biểu tượng của vua chúa và giới sang giàu.

Hiện nay, người ta đã có thể chế tác ra đá moissanite trong phòng lab. Moissanite có cấu trúc và độ cứng gần tương đương kim cương, nhưng tinh khiết hơn hẳn đá thiên nhiên. Khả năng sản xuất hàng loạt làm moissanite, dù đẹp và bền không thua kim cương, nhưng có giá chỉ bằng 5% đến 10% kim cương tự nhiên. Trong khi đó, giá của kim cương thiên nhiên tăng phi mã vì độ khan hiếm.

Công cụ diễn tả không lời

Trong series phim truyền hình hài The Office của BBC có cảnh nhân vật David Brent hò hẹn với một phụ nữ đeo mặt dây chuyền trước ngực áo. Anh ta thốt lên: “A, cô đeo cái vòng cổ ấy để tôi bị hút mắt vào bộ ngực của cô”. Tương tự như vậy: Bông tai thu hút sự chú ý vào dái tai. Khuyên rốn thu hút sự chú ý vào lỗ rốn.

Chiếc nhẫn cưới là đỉnh cao của sự cam kết đôi lứa. Khi đeo cho nhau chiếc nhẫn cưới, đôi tân nhân muốn nói với nhau rằng: Anh là của Em. Em là của Anh. Chúng ta sẽ cùng nhau sát cánh đi qua hết cuộc đời này. Chiếc nhẫn cưới biểu trưng cho tình yêu, lòng trung thành và lời hứa người này vì người kia.

Có những món trang sức truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia. Khi người con trai trao đôi bông tai của mẹ mình cho người con gái, anh đang nhớ đến mẹ, và trao tình cảm thiêng liêng ấy cho cô gái. Trang sức trở thành biểu tượng cho nỗi nhớ mong.

Đeo trang sức là biểu tượng của nhân tính

Trang sức được chế tác từ kim loại, đá quý, thậm chí cả bộ lông lộng lẫy của các loài chim. Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, con người chỉ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà không thể chạm tay vào quá trình tạo ra chúng. Chính vì thế, người ta càng ao ước có được những món đồ xinh đẹp này.

Con người khác với các loài sinh vật khác trên trái đất vì có cảm xúc và mơ ước. Niềm khao khát và nỗ lực thực hiện nó đã đưa con người phát triển thành loài động vật cao cấp nhất. Con người khao khát trang sức cũng như kiểu chúng ta luôn tìm cách chinh phục những gì ngoài tầm tay với. Vì thế, hoàn toàn không khiên cưỡng khi nói rằng trang sức thể hiện cho nhân tính.

Tóm lại, ai cũng có lý do để đeo trang sức. Có người thích tiếng leng keng khi những chiếc vòng ở cổ tay chạm nhau. Người khác thích thú với tia lấp lánh lóe ra từ viên đá quý trên tai. Còn tôi lại mê những viên đá màu với đủ sắc độ khác nhau, không viên nào giống viên nào.

Trang sức thể hiện cái tôi; làm đa dạng phong cách; hay gợi nhớ một tình cảm thiêng liêng nào đó. Trang sức làm đẹp thêm cho cả bên ngoài lẫn tâm hồn của chúng ta. Bạn đã có đủ động lực để bắt đầu bộ sưu tập trang sức của mình chưa?

VIÊN ĐÁ SINH VÀ Ý NGHĨA TƯỢNG TRƯNG

Tháng Giêng: Garnet – Năng lượng, tự tin và ý chí

Tháng Hai: Amethyst – Hòa thuận, Thanh thản

Tháng Ba: Bloodstone hay Aquamarine – Suy nghĩ thấu đáo, Công bằng

Tháng Tư: Diamond – Ngây thơ, Bướng bỉnh, Tôn vinh giá trị đạo đức

Tháng Năm: Emerald – Lãng mạn, Sống khép mình, Trung thành

Tháng Sáu: Pearl, Alexandrite, hay Moonstone – Bản năng, Sắc sảo, Năng lực cảm nhận cao

Tháng Bảy: Ruby – Năng động, Tỏa sáng, Khả năng lãnh đạo cao

Tháng Tám: Sardonyx, Peridot, hay Spinel – Tốt bụng, Hiếu khách, Thuyết phục

Tháng Chín: Sapphire – Thông thái, Bình thản, Khiêm tốn, Không bị áp lực ảnh hưởng

Tháng Mười: Opal hay Tourmaline – Trung thành, Bảo bọc, Tỏa năng lực tích cực và dẫn dắt

Tháng Mười Một: Topaz hay Citrine – Lanh lợi, Phóng khoáng, Trung tâm trong đám đông

Tháng Mười Hai: Turquoise hay Tanzanite – Trung thực, Khôn ngoan, Kiên định.

Nguồn: Bazaarvietnam

2 comments

  1. I am thinking about becoming a ‘ProBlogger”. I know Blogging is a very slow business, but still i want to know how much time will it take me to start earning at least $100.. I can work everyday for approximately 11 hrs. Can i expect start earning $100 within two months.. Please folks help, give me some idea on how much hard work it’s going to be..

    • Hi, it is really admirable to have people with passion and enthusiasm like you. In my opinion, at first you should burn yourself out with your passion without thinking about remuneration. When everything becomes professional over time, money will automatically go into your pocket. Best regards

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *