TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOURMALINE – PHẦN 4

PHẦN 4: RUBELLITE - SẮC VƯƠNG CỦA ÁNH CẦU VÒNG

Nếu màu đỏ là màu đứng đầu trong thế giới màu sắc, thì từ xa xưa Rubellite đã là dòng đá được yêu thích nhất của gia đình nhà Tourmaline lấp lánh sắc cầu vồng.

Tên gọi Rubellite bắt nguồn từ tiếng Latin là “rubellus” có nghĩa là màu đỏ. Rubell-ite chính là viên đá có màu đỏ, tên gọi này không hề liên quan gì đến Ruby (một dòng đá quý rất nổi tiếng khác) mà một số tài liệu đã suy diễn và gán ghép...

Rubellite có màu sắc chải dài khá phong phú từ đỏ tím đến đỏ hồng, với màu đỏ là chủ đạo. Những viên đá quý Rubellite được đánh giá đẹp nhất là những viên có màu đỏ mãnh liệt pha chút sắc hồng rực rở.

Màu đỏ hồng trên đá Rubellite được tạo thành khi viên đá giàu Mangan kim loại. Thông thường Mangan tồn tại trong đá Tourmaline là Mn2+ gây ra màu vàng đến cam thậm chí không màu. Trong điều kiện đặc biệt, viên đá tiếp xúc với nguồn bức xạ trong tự nhiên sẽ chuyển thành Mn3+ tạo ra màu hồng đến đỏ. Bên cạnh đó, một số viên đá vẫn thường nhiễm Sắt kim loại nên có ít nhiều tôn màu tím và sắc nâu trầm.

Có khá nhiều thông tin trên website, tài liệu Việt ngữ viết rằng "đá Tourmaline là không thể hoặc chưa phát hiện xử lý...". Thật ra, bất kì loại đá nào đều có thể bị xử lý nếu con người muốn và cần tạo ra giá trị tốt hơn. Rubellite cũng không phải là ngoại lệ, có 3 loại xử lý hay gặp trên đá Rubellite là:

  • Xử lý nhiệt (Heating): Hầu hết các Rubellite trên thị trường thường được xử lý nhiệt nhẹ (ở mức 400-450oC). Điều này có thể cải thiện màu sắc và độ trong (do loại bỏ tôn màu nâu trầm của Sắt và làm tan biến một phần các thể vùi bên trong). Một lưu ý khá quan trọng là, đá Rubellite thường có các đường tăng trưởng xếp song song đặc trưng và chứa nhiều bao thể dạng lỏng, nên việc xử lý nhiệt phải được tính toán & kiểm soát chặt chẽ nếu không viên đá sẽ bị nứt vỡ. Mặc khác nhiệt độ cao cũng có thể làm Rubellite chuyển sang màu vàng nâu hoặc rất nhạt màu.

  • Chiếu xạ (irradiation): người ta dùng tia Gamma bắn phá cấu trúc tinh thể (chất xúc tác là Lithium) tạo ra tâm màu đỏ hồng. Phương pháp chuyển hoá Tourmaline có màu hồng nhạt thành Rubellite hồng mãnh liệt và đỏ vô cùng xinh đẹp và đắc đỏ. Tuy nhiên, Rubellite được tạo màu bằng cách chiếu xạ thường nhạt màu dần theo thời gian, khi tiếp xúc với ánh sáng và nguồn nhiệt cao.

  • Lấp đầy (Oiling & Filling): để cải thiện độ trong Rubellite đôi khi được xử lý xen phủ bằng các vật liệu có nhiệt độ nóng chảy thấp (Resin, Polymer, Oil) tương tự cách xử lý thường thấy trên Emerald.

Hầu hết việc xử lý chiếu xạ và nhiệt trên đá Rubellite thì kiểm định thông thường gần như không thể phát hiện được. Trong khi xử lý lấp đầy sẽ được phát hiện dễ dàng bởi thiết bị chuyên môn.

Trên thế giới, nguồn cung cấp chính Rubellite là từ Brazil (mỏ Minas Gerais), Madagasca (mỏ Adilamena & Vatomandry), Afghanistan, Mozambique, Nigeria, Russia (mỏ Urals) và Mỹ (California). Khối tinh thể Rubellite lớn nhất thế giới nặng 66kgs, có tên là "Tarugo" được tìm thấy mỏ Minas (Brazil).

Ở Việt Nam, đá Rubellite cũng hay được phát hiện ở Lục Yên với màu đỏ hồng rất đẹp, nhưng đáng tiếc là hay mang nhiều thể vùi chủ yếu được tạc tượng, hiếm khi đạt tiêu chuẩn để cắt mài facet.

Điều phiền lòng chỉ là mẹ thiên nhiên quá ưu ái, đã tạo ra khá nhiều viên Rubellite siêu khủng, to hàng chục thậm cả trăm carats nên ít nhiều cũng làm giảm đi vẻ lung linh của dòng đá xinh đẹp này. Nhìn chung, Rubellite hoàn toàn xứng đáng là một thế lực thật sự trong danh sách phong thần của các loại đá quý có màu đỏ-hồng cao cấp được ưa chuộng.

Nguồn: Tonlegem

Những bài viết liên quan:

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOURMALINE - PHẦN 1

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOURMALINE - PHẦN 2

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOURMALINE - PHẦN 3

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *