Xử lý chiếu xạ – Irradiation
Là quá trình đá quý tiếp xúc với nguồn bức xạ nhân tạo để thay đổi màu sắc của nó. Quá trình này đôi khi được tiếp nối bởi việc xử lý nhiệt để tiếp tục thay đổi màu sắc. Bước thứ hai này còn được gọi là "xử lý kết hợp”.
- Đá quý xử lý chiếu xạ thường gặp nhất bao gồm:
- Kim cương – Bức xạ neutron và electron là các dạng phổ biến nhất của chiếu xạ nhân tạo, có thể tạo ra các màu đen, lục, lục xanh, vàng đậm, cam, hồng và đỏ cho kim cương (thường kết hợp với bước xử lý nhiệt thứ cấp để đạt được màu sắc ổn định).
- Corundum – Một số Sapphire có màu tự nhiên ban đầu là vàng nhạt được xử lý chiếu xạ để tạo ra màu cam sáng đẹp. Màu sắc này không bền và mờ nhạt dần khi tiếp xúc với ánh sáng.
- Topaz – Topaz không màu có ít giá trị thương mại trên thị trường đá quý ngày nay. Nhưng nó có thể được xử lý chiếu xạ nhân tạo để làm thay đổi màu sắc đáng kể. Sử dụng kết hợp với xử lý nhiệt, một loạt các tông màu xanh mạnh đã được tạo ra trên Đá Topaz.
- Ngọc trai – Một số viên ngọc trai được chiếu xạ làm cho chúng có màu xám đậm.
- Thạch anh – Nhiều loại thạch anh có thể được chiếu xạ để tạo ra Thạch anh tím, và một số phương pháp xử lý kết hợp bao gồm nung nhiệt sau khi chiếu xạ có thể tạo ra loại thạch anh màu lục.
- Các loại khác – Một số loại đá trong nhóm Beryl và Spodumene có thể được chiếu xạ để làm tăng cường độ màu vốn có của chúng hoặc thay đổi màu sắc hoàn toàn.
- Các yếu tố độ bền – Một số màu của đá quý được chiếu xạ sẽ mờ nhạt dần khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Topaz xanh, kim cương và Thạch anh có màu sắc rất ổn định, trừ khi chúng tiếp xúc với nhiệt độ cao (điều này đặc biệt đúng đối với kim cương màu được xử lý chiếu xạ, màu sắc có thể bị hư tổn nếu kim cương tiếp xúc với sức nóng của ngọn đèn khò của thợ kim hoàn trong quá trình sửa chữa trang sức).
- Khả năng nhận biết – Bởi vì các màu xanh mạnh không xuất hiện tự nhiên trong Topaz, nên các loại đá như vậy được coi là đã trải qua quá trình xử lý chiếu xạ. Màu sắc mạnh trong kim cương xanh, hồng và đỏ cũng nên được coi là có khả năng xử lý. Việc xác định một viên kim cương màu là màu tự nhiên hay màu đã qua xử lý cần phải để cho các chuyên gia giám định trong các phòng giám định hiện đại đảm nhiệm.
- Tần suất gặp trong thương mại – Vô cùng thường xuyên đối với đá Topaz và thường xuyên được sử dụng để tạo ra các viên kim cương có màu sắc ưa thích.
- Tính cần sử dụng và bảo quản đặc biệt – Trong nhóm đá Beryl và Spodumene, màu được chiếu xạ có xu hướng không bền và mờ nhạt dần khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh. Ngoài điều này ra thì không có yêu cầu bảo quản đặc biệt nào thêm đối với hầu hết các đá quý được xử lý chiếu xạ.
Xử lý bắn laser – Laser drilling
Là việc sử dụng chùm tia laser chính xác để tạo một kênh mở từ bề mặt của viên kim cương đến các bao thể sậm màu. Chúng thường được tiếp nối bằng việc sử dụng hóa chất đủ mạnh để hòa tan hoặc thay đổi diện mạo của bao thể thông qua kênh dẫn laser vừa tạo ra.
Kim cương là đá quý duy nhất được xử lý theo kiểu này, một phần vì chỉ có nó mới có thể chịu được sức nóng của tia laser.
- Các yếu tố độ bền – Mặc dù tia laser có khả năng ảnh hưởng đến cấu trúc của một viên kim cương, nhưng hầu hết các lỗ khoan bằng laser đều cực nhỏ và độ bền của viên kim cương không bị tác động.
- Khả năng nhận biết – Dễ dàng phát hiện bởi hầu hết các chuyên gia về đá quý và các phòng thí nghiệm đá quý đủ điều kiện vì sự hiện diện của các lỗ khoan laser.
- Tần suất gặp trong thương mại – Đôi khi.
- Tính cần sử dụng và bảo quản đặc biệt – Không có yêu cầu đặc biệt nào đối với kim cương xử lý bằng laser.
Xử lý khuếch tán mạng lưới – Lattice diffusion
Là sự xâm nhập của một số nguyên tố vào lưới cấu trúc nguyên tử của đá quý trong quá trình xử lý nhiệt, với mục tiêu làm thay đổi hoặc làm nổi bật màu sắc của nó.
- Đá xử lý khuếch tán phổ biến nhất bao gồm:
- Corundum (Ruby và Sapphire) – Mặc dù các thử nghiệm ban đầu trong những năm 1980 là tập trung vào sự khuếch tán của Titanium – Ti và Chromium – Cr (là các chất tạo màu trong corundum) nhưng khả năng thâm nhập hoàn toàn vào đá với màu sắc được tiếp nhận là rất ít. Năm 2003, những viên Sapphire màu rất mạnh bắt đầu xuất hiện trên thị trường và sự khuếch tán lại được đặt vấn đề. Người ta phát hiện rằng chúng đã được xử lý khuếch tán – nhưng bằng một nguyên tố mới: Beryllium – Be. Beryllium, một nguyên tử nhỏ hơn nhiều so với Titanium hoặc Chromium, có khả năng khuếch tán qua tất cả các loại Sapphire. Ngay cả những viên Sapphire kích thước lớn vẫn thay đổi thành công màu sắc của chúng. Họ cũng đã sớm nhận thấy rằng màu sắc của Ruby cũng có thể được làm nổi bật lên khi sử dụng quá trình xử lý này.
- Feldspar – Nhiều loại đá Feldspar, đáng chú ý là Andesine và Labradorite được xác định là có tiếp nhận sự khuếch tán của đồng và làm thay đổi hoàn toàn màu sắc của chúng.
- Các loại đá khác – Đã có nhiều báo cáo về việc xử lý khuếch tán gây ra sự thay đổi màu sắc cho cả Tourmaline và Tsavorite (một loại Garnet) nhưng các tuyên bố này chưa được chứng minh.
- Các yếu tố độ bền – Việc xử lý này được coi là vĩnh viễn.
- Khả năng nhận biết – Rất khó phát hiện một cách chắc chắn trong nhiều trường hợp – và nếu có, chỉ được xác định bởi các phòng thí nghiệm đủ trang thiết bị.
- Tần suất gặp trong thương mại – Corundum được xử lý khuếch tán thì phổ biến rộng rãi trên thị trường đá quý.
- Tính cần sử dụng và bảo quản đặc biệt – Không có yêu cầu đặc biệt nào đối với Corundum được xử lý khuếch tán hoặc Feldspar (ngoại trừ việc cắt mài lại).
Nguồn: Gia
Những bài viết liên quan:
CÁC PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ ĐÁ QUÝ - PHẦN 1