TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOPAZ – PHẦN 2

PHẦN 2: NGUYÊN LÝ TẠO MÀU & PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ TẠO MÀU TRÊN BLUE Topaz

Thông thường đá quý có được màu sắc bởi 2 cách chính: 1 là do lẫn tạp chất và 2 là do khiếm khuyết trong cấu trúc tinh thể (còn gọi là tâm màu).

Cách thứ 1, lấy Sapphire làm ví dụ:

Sapphire nguyên chất vốn không màu. Nếu lẫn tạp chất Titan thì chuyển thành màu xanh dương, sang màu vàng khi lẫn Fe, lẫn Chrom thì có màu hồng, nếu nhiễm đồng thời cả Fe và Chrom với tỷ lệ thích hợp sẽ có màu cam-hồng (màu padparascha vô cùng quý hiếm). Phần lớn đá quý trong tự nhiên có được màu theo cách này.

Cách thứ 2, lấy Diamond làm ví dụ:

Kim cương là carbon nguyên chất dĩ nhiên cũng không màu, vậy làm sao để có Diamond hồng, vàng fancy, xanh, đen... đó chính là do tâm màu hay có thể hiểu là tinh thể kim cương bị khiếm khuyết gì đấy nên có các màu sắc này, thế nên xử lý chiếu xạ trên kim cương màu chỉ là chuyện rất ư là bình thường nhé...

Trở lại với Đá Topaz cũng giống với kim cương, người ra tạo ra Topaz xanh bằng cách cho các tia phóng xạ Electron, Neutron hoặc Gamma đi xuyên vào làm phá vỡ cấu trúc tinh thể, chính các khuyết tật trong cấu trúc này tạo ra màu xanh cho Topaz. Nói theo cách hài hước thì Topaz xanh là Topaz bị "nội thương".

Nếu thời gian là liều thuốc chữa lành con tim tan vỡ, thì điều gì sẽ chữa lành "nội thương" cho những viên Topaz xanh? Đó là tia nắng ấm mặt trời, những khiếm khuyết trong tinh thể những viên Topaz xanh có thể hấp thụ năng lượng bức xạ UV từ ánh mặt trời hoặc nguồn nhiệt cao để tự sửa chữa cấu trúc tinh thể bị khiếm khuyết và vì thế Topaz xanh sẽ nhạt màu dần.

Để hạn chế tiến trình phai màu, người ta phải tiếp tục thực hiện việc xử lý nhiệt 1 lần nữa ở mức 500oC. Quá trình xử lý nhiệt này tuy có thể kéo dài thời gian phai màu, cũng như làm sạch tinh tạp chất bên trong, nhưng cũng làm những viên Topaz xanh trở nên giòn đáng kể so với Topaz hoàn toàn tự nhiên. Vì vậy tuy mang danh độ cứng 8 Mohs nhưng Topaz xanh rất dễ mẻ góc, xước cạnh nếu bị va chạm với vật cứng khác...

Cũng xin thông tin thêm, hầu hết các màu của Topaz là do các tâm màu trong đá, ngoại trừ trường hợp Imperial Topaz có màu đỏ hồng đến hồng cam gây ra bởi tạp chất Chrom. Đây cũng chính là nguyên nhân Imperial Topaz đặc biệt quý hiếm.

Nguồn: Tonlegem

Những bài viết liên quan:

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOPAZ – PHẦN 1

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOPAZ – PHẦN 3

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOPAZ – PHẦN 4

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOPAZ – PHẦN 5

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOPAZ – PHẦN 6

TẢN MẠN VỀ ĐÁ TOPAZ – PHẦN 7

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *